Lớp Cán bộ nguồn cấp ủy cơ sở tổ chức hoạt động du khảo về nguồn tại Bến Tre

22/10/2024 09:01:50PM
Màu chữ Cỡ chữ
Gần 80 học viên của lớp Bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2025–2030 của huyện Thạnh Hóa, đã tham gia chuyến du khảo về nguồn tại tỉnh Bến Tre. Đây là một hoạt động quan trọng trong chương trình bồi dưỡng của lớp.

Cùng tham gia với các học viên có các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, lãnh đạo UBND huyện, và lãnh đạo các cơ quan liên quan. Chuyến đi đã đưa đoàn đến hai địa điểm lịch sử: Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi và Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi, được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1993 và Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2017, là nơi đánh dấu phong trào Đồng Khởi lịch sử. Vào ngày 17/01/1960, dưới sự lãnh đạo của nữ tướng Nguyễn Thị Định, quân và dân xã Định Thủy đã nổi dậy, khởi phát cho phong trào Đồng Khởi khắp miền Nam, ghi dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khu Di tích nằm tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, với bảo tàng di tích và biểu tượng ngọn lửa Đồng Khởi, tượng trưng cho tinh thần chiến đấu bất khuất của quân dân. Trên nóc bảo tàng di tích là hình tượng ngọn lửa Đồng Khởi được cách điệu bằng bê tông cốt thép cao hơn 12m, đường kính 4,5m, gồm 3 cánh tượng trưng cho 3 mũi giáp công: chính trị, binh vận, vũ trang và sự nổi dậy của Nhân dân ở 3 dải cù lao; nó còn là biểu tượng của ngọn lửa Đồng Khởi sáng mãi trên quê hương xứ Dừa.

Đoàn cũng đến viếng và dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, huyện Ba Tri. Khu di tích này đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 102 năm ngày mất của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đến ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng khu di tích này là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đoàn thắp hương tưởng niệm tại khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu

Với diện tích 13.000 m², Khu di tích bao gồm đền thờ có kiến trúc hình tròn, 3 tầng mái, tượng trưng cho ba lĩnh vực quan trọng mà Nguyễn Đình Chiểu đã cống hiến: nhà giáo, nhà thơ và thầy thuốc. Tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng UNESCO diễn ra từ ngày 9 đến 24/11/2021 tại Paris, Nguyễn Đình Chiểu đã được công nhận là một trong những danh nhân văn hóa có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022–2023. UNESCO khẳng định, ông không chỉ là nhà thơ lớn của Việt Nam mà còn là biểu tượng vượt qua nghịch cảnh, kiên trì theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu

Bên cạnh thơ văn, Nguyễn Đình Chiểu còn được biết đến như một nhà giáo đức độ, tận tụy truyền đạt những giá trị nhân văn và đạo lý truyền thống cho thế hệ học trò. Đặc biệt, sau khi bị mù, ông học làm thuốc và trở thành một lương y tài giỏi, am hiểu sâu sắc về y lý phương Đông và Việt Nam. Trên thế giới, ít có danh nhân nào như Nguyễn Đình Chiểu, đạt được những thành tựu lớn trong cả ba lĩnh vực: Thơ văn, Thầy giáo, Thầy thuốc.

Chuyến du khảo về nguồn không chỉ mang lại cho các học viên những trải nghiệm quý báu, mà còn giúp củng cố tinh thần đoàn kết, nâng cao hiểu biết về lịch sử, truyền thống yêu nước và tiếp thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Qua chuyến đi, mỗi thành viên càng nhận thức sâu sắc hơn về sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

 Phú Nhuận

Liên kết website