Thạnh Hóa – Khởi sắc Làng mai vàng xã Tân Tây

28/01/2025 10:34:4PM
Màu chữ Cỡ chữ
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Làng mai vàng xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, trở nên nhộn nhịp và sôi động hơn hẳn Tết năm trước. Ngoài các nhóm thương lái đến tận làng thu mua, nhiều người dân còn tận dụng các nền tảng mạng xã hội để bán mai online. Nhờ vậy, không chỉ giúp thúc đẩy tiêu thụ, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh cây mai đặc trưng của làng đến với cộng đồng.

Cây mai vàng từ lâu đã trở thành biểu tượng của ngày Tết ở nước ta. Xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa được xem là “thủ phủ” mai vàng của huyện. Nơi đây trồng số lượng lớn cây mai vàng để cung cấp cho thị trường trong nhiều năm qua. Khoảng 2 thập niên trước, từ những diện tích nhỏ lẻ ban đầu, người dân đã đầu tư và mở rộng, biến Tân Tây trở thành làng nghề trồng mai vàng đầu tiên của tỉnh Long An. Hiện nay, Làng mai vàng Tân Tây đã có 526 hộ trồng mai với diện tích gần 500 hecta.

 

Cây mai vàng nguyên thủy được trồng phổ biến nhất nhờ phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cho ra những gốc mai có bộ đế đẹp, nhiều kiểu dáng độc lạ. Giá bán mỗi gốc mai tùy thuộc vào kích thước và gu thẩm mỹ, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục, thậm chí trăm triệu đồng. Ngoài ra, người dân Tân Tây còn biết ươm giống mai con từ những cây giống tốt, tạo bộ đế, thân và tán đều đẹp, cung cấp giống cho các khu vực lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp. Nhờ vậy, đầu ra ngày càng thuận lợi, mang lại thu nhập đáng kể và góp phần xây dựng thương hiệu cho Làng nghề mai vàng Tân Tây.

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, Làng nghề trồng mai xã Tân Tây cũng không tránh khỏi khó khăn. Theo người dân, Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 buôn bán sôi động, đem lại cái Tết sung túc. Tuy nhiên, đến Tết Nhâm Dần 2022, sức mua bắt đầu giảm, làng nghề thiếu vắng dần thương lái, giá bị ép,... Tình trạng này kéo dài hơn hai năm, khiến nhiều hộ phải giữ mai ở lại vườn chờ giá.

Ông Nguyễn Văn Chẳng, người trồng mai lâu năm ở ấp 1, xã Tân Tây, cho biết: “Tết năm ngoái do giá thấp nên tôi đã giữ mai lại. May mắn, năm nay thương lái đến xem và chốt giá nhiều hơn. Gia đình sẽ có cái Tết trên dưới đầy đủ.”

Ngoài thị trường truyền thống, nhiều hộ dân đã chuyển sang bán mai vàng qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram. Anh Nguyễn Văn Dùng (ấp 3) và anh Huỳnh Chí Linh (ấp 5) được biết đến như những người bán hàng “mát tay”, trung bình mỗi người bán được khoảng 200 cây/tháng. Thống kê cho thấy, năm 2024, tổng giá trị mai vàng bán ra ước đạt 9 tỷ đồng, trong đó gần một nửa doanh thu đến từ giao dịch trên nền tảng số.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Ban đại diện Làng mai vàng xã Tân Tây, nhận định: “Việc người dân sử dụng hiệu quả mạng xã hội để quảng bá và bán hàng góp phần đảm bảo đầu ra cho mai vàng, thu hút thêm thương lái và mang lại thu nhập ổn định. Nhiều diện tích đã được tái trồng nhờ thị trường tiêu thụ khả quan.”

 

Đầy đủ “đồ nghề” cho buổi live stream

Những tín hiệu tốt về giá mai cùng những giao dịch tấp nập đang mang lại niềm phấn khích cho người dân Làng nghề trồng mai vàng xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa. Đó cũng là những động lực để Nhân dân nơi đây hăng hái phát triển làng nghề đem lại hiệu quả kinh tế góp phần giữ vững danh hiệu Tân Tây đạt chuẩn xã văn hóa, nông thôn mới nâng cao.

                           Nguyệt Hằng

Liên kết website