Thạnh Hóa tham gia Hội thảo khoa học về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa” tại Trường Chính trị tỉnh Long An
Tại buổi hội thảo, Trường Chính trị Long An gợi ý đề dẫn về thảo luận đề tài nghiên cứu “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, theo đó, các đại biểu tham dự đã được nghe 9 báo cáo tham luận của các địa phương, đơn vị và các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh về các giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An qua đó đã góp phần tích cực vào việc nghiên cứu thực hiện các nội dung của đề tài khoa học về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An.
Đặc biệt, trong đó có báo cáo tham luận của đơn vị huyện Thạnh Hóa, do đồng chí Hồ Văn Tùng, HUV - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy trình bày, nội dung đề tài về “xây dựng và thực hành văn hóa trong hệ thống chính trị, trước hết là trong Đảng”, đối với đề tài này huyện Thạnh Hóa đã khái quát tình hình thực tế của địa phương, đánh giá những mặt ưu điểm và tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An nói chung, Thạnh Hóa nói riêng, đồng thời nêu bật được những giá trị cốt lõi phẩm chất đạo đức và khát vọng xây dựng Thạnh Hóa phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tám nội dung, giải pháp đó là:
Thứ nhất, luôn có ý thức đề cao bổn phận, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên: luôn luôn suy nghĩ và đặt lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, trước hết, vì cán bộ, đảng viên là công bộc của Nhân dân, phải xem việc thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là bổn phận, là nhiệm vụ hằng ngày và thường xuyên suốt đời, luôn phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân, luôn nghĩ về lợi ích quốc gia, dân tộc với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thứ hai, thực hành văn hóa nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý: xây dựng ý thức tự giác về trách nhiệm thực hành văn hóa nêu gương trong từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tổ chức Đảng, để thực hiện tốt nội dung cốt lõi trong xây dựng văn hóa chính trị nói chung, văn hóa Đảng nói riêng thì mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hành văn hóa nêu gương nghiêm túc và hiệu quả, thể hiện tính tiên phong, gương mẫu các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, để việc nêu gương trở thành hành động tự giác “văn hóa nêu gương”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nhận thức sâu sắc nêu gương là trách nhiệm, nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên cương vị càng cao, chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn, việc nêu gương phải toàn diện trên các mặt và các nội dung về tư tưởng chính trị; đạo đức lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; trong các mối quan hệ với Nhân dân; luôn có trách nhiệm với công việc; ý thức tổ chức kỷ luật và thực hành tốt công tác đoàn kết nội bộ. Ngoài ra, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải thường xuyên thực hành văn hóa nêu gương trong 04 mối quan hệ cơ bản: đối với mình, đối với đồng chí đồng nghiệp, đối với công việc và nhất là đối với quần chúng Nhân dân.
Thứ ba, thực hành tốt văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên, đảm bảo văn hóa ứng xử giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong những biểu hiện của văn hóa Đảng: rèn luyện văn hóa ứng xử là phải tu dưỡng tư cách của một người cách mạng, trước hết là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực hành văn hóa ứng xử phải được thể hiện trong 4 mối quan hệ cơ bản: trong quan hệ công tác; đối với công việc; đối với Nhân dân và đối với chính mình nhưng trước nhất, xuyên suốt nhất là phải biết cách xử sự, xử thế với chính mình. Mình đối với mình phải “chính tâm tu thân” thành một người tử tế, đứng đắn thì mới “tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý”. Chỉ có tự mình thành một người tốt thì mới có thể xử sự tốt với đồng bào, đồng chí, bạn bè; cương quyết và khôn khéo với kẻ địch.
Thứ tư, thực hành thường xuyên văn hóa tự phê bình và phê bình: mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước cấp ủy, tập thể, Nhân dân và trước Đảng trong việc rèn luyện văn hóa phê bình và tự phê bình theo tinh thần tự soi, tự sửa; phải xem việc thực hiện văn hóa tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên “như rửa mặt hàng ngày” theo tư tưởng của Hồ Chí Minh.
Thứ năm, luôn coi trọng thực hành văn hóa trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân: trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện phải nêu gương trong ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân; thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất, đối thoại trực tiếp, lắng nghe, tiếp nhận thông tin để kịp thời xem xét, giải quyết và xử lý những phản ánh, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Thứ sáu, xây dựng, phát triển năng lực sáng tạo và ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên: mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có sự cải tiến, đổi mới, sáng tạo trong mọi công việc, nhất là trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ cụ thể của mình.
Thứ bảy, cán bộ đảng viên phải thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật và những điều đảng viên không được làm: các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cán bộ, đảng viên sử dụng các trang mạng xã hội, chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, tuyệt đối không tham gia bình luận, chia sẻ, like, tương tác tại các trang thông tin không chính thống cũng như các bài đăng không rõ nguồn gốc trên nền tảng internet và mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo,…
Thứ tám, xây dựng và thực hiện văn hóa công sở, đạo đức công vụ, các phong trào thực hành văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị: tập trung xây dựng tác phong, lề lối công tác, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có uy tín, có chuyên môn giỏi, thông thạo nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn gần dân, biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân và phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Huyện ngày càng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.
Hồ Văn Tùng
Tin khác
- Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Thạnh Hóa trước kỳ họp thứ 9
- Đại biểu HĐND tỉnh Long An tiếp xúc với cử tri xã Thạnh An- Thủy Tây
- Đại biểu HĐND tỉnh Long An tiếp xúc với cử tri ở Thạnh Hóa
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tiếp xúc cử tri và thực hiện công tác xã hội tại huyện Thạnh Hóa
- HĐND tỉnh giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Thạnh Hóa
- Cụm thảo luận số IV HĐND tỉnh thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung trình tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh
- Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh khảo sát về công tác phát triển thanh niên tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh
- Trung đoàn bộ binh 738, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An tổ chức Đại hội Thi đua Quyết thắng, giai đoạn 2019– 2024
- Đoàn giám sát của tỉnh làm việc tại huyện Thạnh Hóa về phát triển thanh niên, giai đoạn 2021-2030
- Thạnh Hóa tham gia Hội thảo khoa học về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa” tại Trường Chính trị tỉnh Long An